Ngày đăng tin: 2019-08-02 11:21:02
Lễ hội đền Và - điểm đến tâm linh của xứ Đoài
Thị xã Sơn Tây – mảnh đất trung tâm của xứ Đoài xưa có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và đậm đặc những lễ hội. Hàng năm trên địa bàn thị xã có 65 lễ hội truyền thống diễn ra, nhưng lớn nhất trong số lễ hội ở Sơn Tây phải kể đến lễ hội đền Và. Lễ hội đền Và trở thành điểm đến tâm linh không thể thiếu của nhiều người dân xứ Đoài và du khách thập phương vào mỗi dịp đầu năm. Chính vì vậy, người dân nơi đây vẫn tương truyền câu ca: “Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng giêng đền Và".
Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, tọa lạc tại Vân Gia - phường Trung Hưng là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tương truyền thuở ấy, Đức Thánh Tản (hay còn gọi là Sơn Tinh) thường du ngoạn bốn phương, trong một lần tình cờ Ngài đi đến quả đồi thấp ven dòng sông Tích. Thấy đây là nơi phong cảnh hữu tình, Ngài dừng chân nghỉ ngơi, vừa lúc trên trời xuất hiện đám mây ngũ sắc từ phía núi Ba Vì bay tới che mát một vùng. Ngài cho đó là điềm lành, bèn cho lập tại chỗ một hành cung.
Nơi ấy nay là đền Và. Từ khi có hành cung ở đền Và, Thánh Tản thường lui tới vùng đất bên kia sông Hồng. Vì đường xa gió bụi, nên trong một lần trở về đền Ngài muốn tìm nước để tắm giội. Nhìn xung quanh chỉ thấy một cô gái gánh đôi sọt đi cắt cỏ, Ngài ngỏ ý nhờ cô gánh cho một gánh nước sông Hồng. Cô gái rất ngạc nhiên vì sọt của cô chỉ đựng được cỏ, làm sao đựng được nước. Ngài cười và bảo cô cứ thử xem sao. Quả nhiên, đôi sọt đựng được nước thật. Trong khi Ngài thỏa sức tắm giội thì cô gái đã chạy về loan báo với dân làng có chuyện lạ xảy ra. Khi mọi người kéo đến nơi thì người đã đi mất, xung quanh còn phảng phất hương trầm. Lúc ấy dân làng mới bừng tỉnh, nhận ra là chính đức thánh Tản vừa mới qua đây.
Tưởng nhớ dấu tích và công đức của Ngài, dân làng Di Bình (xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã dựng ngôi đền đặt tên là đền Ngự Dội, ý muốn nhắc việc Ngài đã đến ngự và tắm ở đó trước khi về đền Và. Để tỏ lòng biết ơn, hàng năm lễ hội đền Và được tổ chức long trọng vào ngày rằm tháng giêng. Cứ 3 năm thì tổ chức lễ hội lớn một lần vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu. Những năm lễ hội lớn có tục rước long ngai bài vị "Tam vị Đức Thánh Tản" từ đền Và qua sông Hồng sang đền Ngự Dội để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Trong thời gian 3 ngày lễ hội (14, 15 và 16 tháng giêng âm lịch) nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, kéo co, cờ tướng, cờ người, đập niêu, nấu cơm thi… được tổ chức thu hút được rất đông người tham gia. Lễ hội đền Và được tổ chức không chỉ nhằm tưởng nhớ đến công đức của Thánh Tản đối với dân, đất nước mà còn thể hiện ước nguyện của người dân về sự yên bình, ấm no, hạnh phúc, đồng thời trở thành cây cầu tâm linh gắn kết người dân đôi bờ tả - hữu sông Hồng thành một khối.
Với những giá trị văn hóa lịch sử quý giá, ngày 19/1/2016, Lễ hội đền Và vinh dự được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Xuân Kỷ Hợi 2019, đền Và tổ chức lễ hội thường niên không vào kỳ chính hội, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu năm lượng du khách đến lễ tại đền Và vẫn rất đông. Để đảm đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng lộn xộn trong khu di tích, từ năm 2007 Ban quản lý di tích đền Và đã có quy định người dân không được phép vào trong cung, mà chỉ được dâng lễ bên ngoài. Để thuận tiện cho du khách, nhà đền đã bố trí 2 cửa, một cửa dâng lễ và một cửa hạ lễ. Người dân khi vào cửa dâng lễ thì được phát số, để khi ra nhận đúng lễ của mình.
Ban quản lý cũng vận động người dân không thắp hương vào mâm cúng vì tàn hương rất dễ bén lửa, gây hỏa hoạn. Đồng thời mỗi người dân chỉ thắp một nén hương ở khu vực ngoài sân đền. Nhờ có quy định nghiêm túc và phương án phân bố hợp lý, du khách đi lễ tại đền Và dù đông nhưng khá quy củ, trật tự. Không có hiện tượng chen lấn, hỗn loạn trong khu thờ tự. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội du xuân, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, ATTP cũng được UBND phường Trung Hưng và Ban tổ chức lễ hội quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra văn hóa, kiên quyết xử lý những tệ nạn “ăn theo” lễ hội như cờ bạc, ép giá, chèo kéo khách, mê tín dị đoan...
Bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, du khách thập phương về với đền Và sẽ thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, sáng trong để trân trọng hơn những giá trị văn hoá tốt đẹp của người xưa mà sống tốt hơn trong nếp sống cộng đồng hôm nay.