1. Không gian cảnh quan kiến trúc
Đền Và nằm giữa một đồi cây cối sầm uất với diện tích khoảng 17.500 m2, hiện tượng này đã khẳng định về một mảnh đất lành, quang nhuận, đồng thời gợi ý cho người ta nghĩ về một dạng kết cấu làng xã cổ truyền. Quanh khuôn viên này cơ bản là cây lim, mít, thông, đại, muỗm…
Đền Và nhìn về hướng nam, theo đạo Phật quan niệm hướng Nam là hướng trong sáng, đồng nhất với trí tuệ (hướng của Bát nhã), mà đạo Phật lấy trí tuệ để diệt trừ ngu tối, tức mầm mống của tội ác. Hướng nam còn mang dương tính, gắn liền với điều thiện, với hạnh phúc... Người phương Đông còn cho rằng: Thánh nhân ngồi quay mặt về hướng Nam để nghe lời tâu bày của thiên hạ, nghĩa là hướng của đế vương, sau đó là hướng của thần linh khi các ngài thành vua tinh thần của làng xã. Với không gian cây cỏ, ngôi đền như được ẩn vào trong tự nhiên để mang yếu tố hòa của tâm hồn dân tộc. Khách hành hương đến Đền Và sẽ cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên, với thế giới siêu nhiên.
2. Bố cục tổng thể mặt bằng
Đền xây dựng trên dải đồi thấp, bố cục dàn trải tương đối cân xứng theo trục linh đạo. Mở đầu cho kiến trúc của đền, ngay chân gò, trước đây là một sân đất (nay lát gạch lá nem) được bao bằng tường đá ong, trong sân người ta đã làm ở chính trục trung tâm một bình phong dạng tam sơn bằng xi măng mang vẻ tự nhiên và tạo những hang hốc gợi cảm (cao 3m70, rộng 3m67). Mặt ngoài của bình phong thờ ngũ hổ trong hang với trung tâm là hổ vàng, tượng trưng cho ngũ phương (đông phương màu xanh lá cây, tây phương màu trắng, nam phương màu đỏ, bắc phương màu đen và trung phương màu vàng).
Qua nghi môn, vào khoảng sân rộng, được khuôn vuông bằng hệ thống công trình kiến trúc khép kín. Liền sát ngay nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác chuông và gác trống, tiếp đến là hai dãy tả vu, hữu vu, nhà kho, phía sau của nhà tả hữu vu là bốn nhà khác (mỗi bên hai nhà tạo soạn và là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương). Nhà tiền bái nằm song song với nghi môn ở phía cuối sân, hai đầu nhà tiền bái có tháp thiêu hương để hóa vàng mã sau khi cúng tế xong. Ngôi nhà chữ công cách tiền bái 1,2m, đầu nhà có bểnước và một gian nhà nhỏ để kiệu. Bố cục tổng thể cho thấy Đền Và là một di tích tương đối lớn, tuy nhiên nó cũng chỉ là một công trình tôn giáo tín ngưỡng nằm trong hệ thống kiến trúc làng xã và không nằm ngoài quy tắc chung của các di tích kiến trúc Việt Nam, đó là di tích có xu hướng dàn trải trên bề rộng mà không phát triển về chiều cao.
3. Kết cấu hạng mục kiến trúc
Ngay sát sau nghi môn, ở hai bên là gác chuông và gác trống - sản phẩm của đầu và giữa TK XX. Hai kiến trúc này tương đối giống nhau với kết cấu hai tầng mái, diện tích vuông 4,8 m2, cao 6m, tầng trên có thân nhưmột tầng lầu, song được bổ ba mặt (phía trong và trước sau) bằng các cửa tròn lớn, còn phía ngoài được làm cửa sổ đắp chữ thọ.
Kết cấu của hai tòa nhà này đều dưới dạng phương đình. Bao quanh tầng trên, một hệ thống lan can đơn giản có bổ trụ ở bốn góc. Từ trụ góc bốn bờ guột chạy ra đến góc mái rồi cong lên để thành guột và đầu đao dưới dạng lá hóa cách điệu. Trang trí cơ bản của hai tòa nhà này chỉ được thể hiện ở mặt nhìn vào sân với hình thức năm con dơi xoè rộng cánh đặt cân xứng ôm lấy cửa sổ tròn. Những nhà nghiên cứu về dân tộc học nghệ thuật đã cho biết rằng đây là biểu tượng của ngũ phúc: phú - quý - thọ - khang - ninh.
Tiếp nối với gác chuông và gác trống là hai tòa tả vu và hữu vu (dài 8,25m, rộng 4,3m) với ba mặt xây gạch, mặt trước có cột vuông trên nền tam cấp, các nhà này để trống mặt trong, kết cấu kiểu tường hồi bít đốc. Nhìn chung các chi tiết kiến trúc gỗ của Tả hữu vu đều thiên về xu hướng vuông vàđược bào trơn đóng bén. Hiện tượng xẻ vuông này đã cho chúng ta biết đây là sản phẩm của thời Nguyễn muộn.
Đằng sau nhà tả hữu vu và nhà kho còn bốn nhà khác (mỗi bên hai nhà) cũng theo kiểu kết cấu gỗ bào trơn đóng bén, tường xây hồi bít đốc như hai tòa nhà tả vu và hữu vu. Đây là những nhà tạo soạn - nơi chuẩn bịcác đồ lễ và là chỗ nghỉ tạm của khách thập phương khi hành hương đến đền lễ thánh.
Nơi thờ chính của Đền Và là một kiến trúc hình chữ công (I), một kiến trúc, ở lĩnh vực đền, hiện nay được coi là sớm nhất nước ta bởi những dấu vết liên quan đến kiến trúc và hiện vật đã mang niên đại ít nhất từ khoảng cuối TK XVI đầu TK XVII với nhiều chi tiết được xác định ở thời Mạc và mang phong cách thời Mạc. Tòa ngoài của kiến trúc chữ công có kết cấu mặt ngoài cũng với 3 gian 2 chái lớn (dài 14,10m, rộng 8,90m). Kiến trúc của đền vẫn theo một phong cách rất xưa, rất cổ và chúng ta có thể nghĩ được đó là sản phẩm giữa TK XVII trở về trước.
Tòa hậu cung đã chiếm 1/2 tòa ống muống và cả tòa nhà bên trong. Tòa nhà bên trong này cũng có kết cấu 3 gian 2 chái và khá thấp, đó là sản phẩm mang kiểu thức của thời gian sớm. Tuy nhiên kết cấu của tòa nhà này cũng đãđược sửa lại rất nhiều với bộ vì nóc cũng chỉ làm theo kiểu giá chiêng và hai bên của cột trốn được bổ sung bằng 2 rường, ăn mộng, chạy ra đỡ hoành mái. Kết cấu gỗ của mái thuộc tòa nhà hình chữ công này, trong phần liên kết với ống muống, có những kẻ xối theo kiểu kẻ suốt đỡ mái giọt gianh ở vị trí rất thấp. Hiện tượng này càng khẳng định hơn khi tu bổ di tích người ta đã không chú ý nâng cao lên, chứng tỏ đã tôn trọng hình thức kết cấu truyền thống.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 347