1. ĐẶC ĐIỂM CÂY LIM XANH

Trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường loài Lim xanh, tên khoa học Erythrophloeum fordii Oliver là loài đang nguy cấp, quý hiếm cần phải bảo tồn. Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp quý hiếm thì Lim Xanh là loài được xếp trong nhóm thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Lim xanh hay còn được gọi là “thiết lim”, là một trong những loài cây bản địa của Việt Nam có chất lượng gỗ cao. Loài này ngày một quý hiếm bởi nạn khai thác quá mức và phá rừng. Việc bảo tồn các loài bản địa có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đất nước (FSIV và JICA 2000).

Lim xanh là loài cây cận đặc hữu của Việt Nam vì ngoài khu phân bố tập trung nhất ở Việt Nam, còn phát hiện Lim xanh mọc rải rác ở miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, theo các tài liệu trước đây, Lim xanh mọc tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và biên giới cực nam của loài cây gỗ quí này là tỉnh Quảng Nam. Nhưng gần đây đã phát hiện Lim xanh còn có ở Quảng Ngãi, Bình Định, và Bình Thuận (huyện Hàm Tân, độ vĩ 10,47 Bắc). Như vậy, khu phân bố của Lim xanh từ 10-23o vĩ Bắc và 102-108o kinh Đông. Các tỉnh có nhiều lim xanh nhất là: Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Tây cũ – nay là Hà Hội,Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Vùng sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam còn những khu rừng với nhiều cây Lim xanh có đường kính trên 1,5m.

Lim xanh là cây gỗ lớn, phân bố trong vành đai nhiệt đới thấp, từ 200-800m, nhưng tập trung nhất ở độ cao 300-500m. Vùng phân bố của Lim xanh có nhiệt độ bình quân năm 22,2-23,80C; nhiệt độ tối cao 42,30C, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối 1,40C; lượng mưa biến động từ 1.500mm/năm (Quỳ Châu, Nghệ An) đến 3.000mm/năm (Móng Cái, Quảng Ninh), độ ẩm trung bình năm 80-86%.

Yêu cầu ánh sáng của cây thay đổi theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển: Giai đoạn 4-5 tháng tuổi, Lim xanh là cây chịu bóng, sinh trưởng bình thường ở độ tàn che 25-75%; đặc biệt thích hợp ở độ tàn che 50%. Trong điều kiện được chiếu sáng tự nhiên 100%, ánh sáng hoàn toàn (không che) hoặc che tối 100%, cây Lim xanh non sinh trưởng rất kém. Giai đoạn càng lớn (từ 5 tuổi trở lên) cây sinh trưởng bình thường ở điều kiện ánh sáng tự nhiên. Khi trưởng thành, Lim xanh luôn vươn lên tầng cao nhất của rừng.

Cây phân bố trên nhiều loại đất có nhiều nguồn gốc khác nhau như: sa thạch, phiến thạch sét, gnai, mica sit, poóc phia... có thành phần cơ giới từ cát pha, sét nhẹ, sét trung bình đến sét nặng. Cây thích hợp nhất với đất sâu, dày, ẩm; nhưng cũng mọc được ở các loại đất thoái hoá với tầng đất mỏng, độ ẩm không cao, tuy vậy cây sinh trưởng kém. Đất có Lim xanh mọc thường khá chua đến chua trung bình (FSIV và JICA, 2003)..

Lim xanh được coi là một cây giàu tanin, vỏ cây chứa khoảng 15,21% tanin. Trong thời Pháp thuộc đã có xí nghiệp sản xuất tanin ở Yên Cát (Thanh Hoá) với nguyên liệu chủ yếu là vỏ lim. Sau này vì rừng Lim xanh ở vùng Tây Thanh Hoá bị suy thoái, không còn vỏ để cung cấp, nên xí nghiệp thiếu nguyên liệu và đã đóng cửa. Gỗ Lim xanh có dác lõi phân biệt, dác màu xám nhạt hay vàng nâu; lõi khi mới chặt màu xanh vàng sau chuyển màu nâu sẫm, rất cứng, thuộc loại tứ thiết; một trong những loại gỗ tốt nhất của Việt Nam. Gỗ có tỷ trọng 0,94; lực kéo ngang thớ 29 kg/cm2; nén dọc thớ 608 kg/cm2, oằn 1,546 kg/cm2; hệ số co rút 0,47- 0,61. Gỗ lõi không bị mối mọt, rất bền nên được dùng trong các công trình xây dựng lâu dài như đền chùa, nhà thờ..., hoặc dùng đóng đồ đạc, làm cửa, ván sàn, tà vẹt và đồ trang trí trong nhà.

Rễ cây có nốt sần cố định đạm làm tăng độ phì của đất. Khi cây bị chết, rễ mục là giá thể tốt nhất cho loài nấm linh chi (Ganoderma lucida), một loài nấm làm thuốc bổ rất quí phát triển.

Lim xanh là loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ đa tác dụng. Cần nghiên cứu để sử dụng nguồn tanin rất lớn chứa trong vỏ Lim xanh, tránh bỏ đi một nguồn lợi lâm sản ngoài gỗ rất quí khi khai thác Lim xanh lấy gỗ. Cũng cần chú ý nghiên cứu để phát triển nấm linh chi mọc trên rễ Lim xanh. Đây là một nguồn hàng lâm sản ngoài gỗ có thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn.

2. QUẦN THỂ LIM XANH ĐỀN VÀ

Card image cap
Rừng Lim xanh tại khu di tích lịch sử văn hóa Đền Và đã có từ lâu đời, gắn liền với di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh, hiện có 167 cây cổ thụ, trong đó có 86 cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Ngoài số cây cổ thụ được thống kê tại Khu di tích Đền Và, Lim xanh còn được trồng mới hơn 1,0 ha, hiện ở tuổi 4, tuy nhiên cây trồng còn nhỏ, chiều cao vút ngọn tập trung trong khoảng từ 0,5-1,0 m

Sau khi điều tra 167 cây Lim tại Đền Và, kết quả điều tra cho thấy đường kính trung bình của 167 cây di sản là 58,7 cm; 07 cây có D1.3 >1,0 m; chiều cao vút ngọn trung bình là 18,7 m; chiều cao dưới cành trung bình là 7,3 m và đường kính tán trung bình là 12,7 m. Như vậy, có thể thấy những cây này đều là những cây cổ thụ có kích thước rất lớn. Cây có đường kính tại vị trí 1,3 m lớn nhất là cây có số hiệu 17 với kích thước 132,5 cm và cây có đường kính tại vị trí 1,3 m nhỏ nhất là cây có số hiệu 95 với kích thước 19 cm. Cây có chiều cao vút ngọn lớn nhất là cây có số hiệu 84 với chiều cao 34 m và cây có chiều cao vút ngọn thấp nhất là cây có số hiệu 124 với chiều cao 5,5 m . Cây già nhất là cây có số hiệu 17 với 618 tuổi và cây có chiều số tuổi thấp nhất là cây có số hiệu 95 với 79 tuổi.

Card image cap
Các tác động chủ yếu từ hoạt động của con người, đặc biệt trong mùa lễ hội là đi lại, dẫm đạp làm chai cứng đất rừng; chằng buộc làm mái che mưa nắng đối với một số cây ở khu vực có kinh doanh buôn bán, phục vụ lễ hội;….;

Đất đai ở khu vực cơ bản phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của loài Lim xanh, tuy nhiên có một số chỉ tiêu của đất chưa thực sự phù hợp như độ chua cao, hàm lượng lân dễ tiêu ở mức nghèo cần phải có giải pháp cải thiện các chỉ tiêu này để phù hợp hơn với yêu cầu sinh trưởng của loài Lim xanh trong khu vực Khu di tích lịch sử Đền Và

Nguồn: Lê Sỹ Doanh, Phạm Văn Duẩn, Nguyễn Hữu Văn, Lã Nguyên Khang, Nguyễn Thị Mai Dương, Nguyễn Song Anh, Lê Thanh Sơn, Phạm Hoàng Phi (2018). Hiện trạng và đề xuất bảo tồn cây di sản loài Lim xanh (Erythrophleum fordii) tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Và, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kì 2 tháng 4/2018, 27-134.