TÌNH TRẠNG NẤM CỘNG SINH Ở RỄ CÂY LIM XANH

Card image cap

Hình 1: Hình thái một số bào tử AMF phân lập từ đất vùng rễ cây Lim xanh tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Và


Vi nấm đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của thực vật. Trong số các vi nấm cộng sinh với rễ thực vật, nấm rễ nội cộng sinh (arbuscular mycorrhizal fungi - AMF) có khả năng làm gia tăng sự hấp thu các hợp chất vô cơ (phospho, nitơ), tăng tiết chất kích thích sinh trưởng ở thực vật nên được ứng dụng rộng rãi trong canh tác cây nông - lâm nghiệp. Sự phân bố của các chi AMF trong rễ, đất vùng rễ thay đổi phụ thuộc loài cây, khí hậu và vị trí địa lý. Do vậy, tùy thuộc vào loại cây chủ được định hướng ứng dụng AMF để thúc đẩy sinh trưởng, việc phân lập AMF phân bố phổ biến trong rễ và đất trồng cây chủ để ứng dụng sản xuất phân bón vi sinh chứa bào tử của AMF thích hợp với loại cây chủ và vùng đất trồng cây chủ là cần thiết và có ý nghĩa.
Lim xanh (Erythrophloeum fordii) là cây gỗ lớn, thân thẳng, tròn, gốc có bạnh nhỏ, vỏ màu nâu, cành non màu xanh lục, là thực vật rừng thuộc Danh cấp, quý, hiếm nhóm IIA (thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) theo quy định của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Quần thể Lim xanh cổ thụ tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Và có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử. Lim xanh là loài cây gỗ quý hiếm nhưng sinh trưởng chậm, hiện trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về thành phấn nấm rễ nội cộng sinh và ứng dụng nấm trong thúc đẩy sinh trưởng của cây Lim xanh.
Do vậy, để tạo cơ sở khoa học đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển quần thể Lim xanh, nghiên cứu xác định đa dạng thành phần nấm rễ nội cộng sinh (AMF) và các chi vi nấm sống cộng sinh/ký sinh, phân bố ưu thế ở vùng rễ cây Lim xanh tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Và đã được thực hiện.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: đất vùng rễ cây Lim xanh phân bố tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Và có bào tử AMF với mật độ ở mức độ trung bình (98,1 bào tử/10 g đất khô), tỷ lệ nảy mầm trung bình của bào tử là 61,5%. Nghiên cứu đã phát hiện được sự có mặt của 6 chi, 19 loài AMF trong đất vùng rễ Lim xanh, với mật độ cao nhất là bào tử của 4 chi AMF: Glomus, Acaulospora, Gigaspora và Scutellospora. Rễ cây Lim xanh có tần suất xuất hiện AMF là 51,8%. Trong rễ Lim xanh, ngoài sự cộng sinh phổ biến của AMF còn có sự xâm nhiễm của hệ vi nấm với mật độ ưu thế thuộc về hai chi nấm là Penicillium và Fusarium. Bên cạnh đó, mức độ đa dạng của hệ nấm trong đất vùng rễ Lim xanh còn thể hiện ở số lượng tế bào nấm tổng số trong đất trung bình đạt 2,97 x 106 (CFU/g).
Kết quả của nghiên cứu được sử dụng để định hướng ứng dụng AMF trong thúc đẩy sinh trưởng, gia tăng sức đề kháng và gây trồng cây Lim xanh tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền Và.

Nguồn: Lã Nguyên Khang , Thân Thị Huyền , Lê Sỹ Doanh, Nguyễn Thị Mai Dương, Nguyễn Thị Thu Hằng , Dương Thanh Hải (2019). Đa dạng thành phần nấm cộng sinh với rễ cây lim xanh (Erythrophleum fordii) tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Và, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội . Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kì 2 tháng 10/2019, 74-80.